Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Trai phố cổ đến Đền Đậu An ở Hưng Yên

Nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, được bao bọc bởi hồ nước trong xanh in bóng những cây nhãn lồng cổ thụ, đền Đậu An là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các thiên thần. Ngôi đền tọa lạc tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, cách thành phố Hưng Yên khoảng 12 km.


Đền Đậu An Sức hút từ ngôi đền cổ

Theo thần tích còn lưu giữ trong đền, vào năm Thiên Định nhị niên (trước Công Nguyên) có Thiên tiên, Địa tiên mở cổng trời xuống hướng dẫn nhân dân khai phá vùng sình lầy, dạy cách săn bắn, hái lượm và trồng lúa nước. Ngoài ra còn có Ngũ lão tiên ông huy động dân làng khai hoang, diệt trừ thú dữ và dựng Thụy Ứng quán thờ để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đền Đậu An được chính thức ghi vào lịch sử với tên gọi Thụy Ứng quán vào năm 226 trước Công nguyên. Sau này, Thụy Ứng quán được xây dựng mở rộng trở thành quần thể di tích mang tên gọi đền Đậu An như ngày nay.


Đền Đậu An có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 tòa tiền tế, thượng điện và hậu cung. Chất liệu tạo nên ngôi đền được tạc từ những khối đá nguyên khối. Phần lớn nguyên liệu làm đền là từ gỗ lim, nhưng tại cung Đệ nhất và Đệ nhị của tòa thượng điện lại được làm bằng đá, có tấm nặng tới hàng chục tấn được các nghệ nhân và thợ thủ công đương thời chạm khắc long cuốn thủy tinh xảo từ cột trụ, câu đối, hoành phi tới bức tường.


Trải qua bao biến động của lịch sử cùng với thời gian, ngôi đền vẫn đứng vững cho đến tận ngày nay. Ngoài kiểu kiến trúc cổ kính, đền Đậu An còn lưu giữ được nhiều di tích cổ có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ. Nổi bật và đặc sắc nhất phải kể đến tòa tháp Cửu trùng bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý – Trần. Họa tiết và chất liệu của tháp vừa có dáng dấp tháp đình bảng, vừa có nét Chăm Pa, khắc hình cánh sen, chim thần Gara. Tháp cao chín tầng biểu thị chín tầng mây cao vời vợi của chốn cửu trùng.


Ngoài tháp Cửu trùng còn có nhang án (bệ hoa sen) bằng đất nung đặt trong cung cấm, có cùng niên đại với tháp Cửu trùng. Tại đền Đậu An còn lưu giữ chiếc khánh đá cổ niên hiệu Vĩnh Trị, chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng và hai tấm bia đá thời Lý, Nguyễn ghi lại niên đại kiến trúc và những người có công tôn tạo, mở rộng trùng tu đền.


Phần lễ hội hàng năm được tổ chức tại nơi đây cũng có nhiều điều thú vị, thể hiện sự giao tiếp hòa nhập cộng đồng làng xã. Lễ hội đền Đậu An diễn ra từ ngày mồng 6 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch. Nét đặc sắc của lễ hội là phần rước kiệu thờ Thiên Tiên, Địa Tiên và đặc biệt là cảnh đánh hổ. Theo quan niệm, các lực sỹ và mẹ con nhà Khó phải đuổi được hổ ra khỏi làng thì dân làng được mùa, ăn nên làm ra. Trái lại thanh niên các làng phải chặn không cho hổ sang nhà mình. Khi trò diễn đánh hổ mang đậm chất thiêng thì lá cây si trang trí tổ hổ trở thành vật thiêng. Mọi người ào lên, giành giật từng cành si, lá si để cầu mong sự an lành và hạnh phúc.


Hàng năm, các Phật tử trong và ngoài nước đến đây để dâng hương, tham quan và làm công đức. Ngôi đền cổ Đậu An đã thực sự không làm phụ công các Phật tử đến đây khi họ cầu luôn thấy ứng. Đến với quần thể di tích đền Đậu An hôm nay, du khách sẽ như được hòa mình vào không gian của những thiên thần thoại cổ tích, không gian của làng quê văn hóa Việt Nam với những nếp ứng xử văn hóa ấm áp tình người



















TRAIPHOCO.BLOGSPOT.COM BY SONPITBULL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét