Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Trai phố cổ khám phá Bánh đập Hến trộn Chè bắp tại Hội An ( Bánh đập Bà Già )

Phố cổ Hội An tuy nhỏ nhưng văn hóa ẩm thực lại vô cùng phong phú. Bởi thế, dù đã tham quan toàn bộ phố cổ, bạn cũng khó có thể thưởng thức hết đặc sản nơi đây. Cùng điểm lại những món ăn đã làm nên thương hiệu “ẩm thực phố Hội” và đánh dấu lại để sử dụng khi có dịp tới Hội An nhé. Trai phố cổ blogger sẽ mách bạn một món ăn ngon và rẻ nhưng mà chưa được ăn ở Hội An thì coi như chưa đến đây.

Bánh đập hến trộn chè bắp là 3 món ăn không thể bỏ qua khi đến Hội An...


Bánh đập và hến trộn, photo by Son Pitbull ( Trai phố cổ Blogger )


Bánh đập Bà Già

Quán nằm xã Cẩm Nam, thị xã Hội An, chuyên bán món hến xúc bánh đa, bánh đập và chè bắp rất nổi tiếng ở Hội An. Quán nằm sát bờ sông nên có khung cảnh thoáng mát, dễ chịu

Địa Chỉ : Thôn 1, xã Cẩm Nam, thị xã Hội An, Quảng Nam ( Chỉ dẫn : Qua cầu Cẩm Nam, đi thẳng qua khúc cua đầu tiên khoảng 200m sẽ gặp quán bên tay phải )
Điện Thoại : 0510.3864542


Bánh đập Bà Già, theo lời kể của người dân Cẩm Nam (Hội An), là quán bánh đập đầu tiên xuất hiện ở vùng này. Cách đây cũng chừng 30-40 năm, bánh đập Bà Già ăn nên làm ra, kéo theo mấy chục quán khác mọc lên nối dài ven sông Hoài, đoạn ngang qua Cẩm Nam (TP Hội An). Từ đó, Cẩm Nam nghiễm nhiên trở thành “làng bánh đập” nổi tiếng ở miền Trung.

Dù sau này khá nhiều quán mọc lên, nhưng những người thủy chung vẫn chọn quán Bà Già làm điểm dừng chân, dù quán có chút lụp xụp, và dù chủ quán đã mất từ nhiều năm trước, rồi đến lượt con gái-con dâu trở thành bếp chính…


Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon

Không phải vô cớ mà bánh đập Bà Già nói riêng và bánh đập Cẩm Nam nói chung trở nên nổi tiếng. Món bánh đập có nhiều nơi ở miền Trung, nhưng bánh đập Cẩm Nam có đặc trưng riêng. Đó là bánh tráng nướng, được tráng cực kỳ mỏng bằng loại gạo dẻo thơm ngon, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than đỏ, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu.

Bánh tráng đập muốn ăn ngon dĩ nhiên phải có một chén nước chấm hoàn hảo. Nước chấm được pha từ mắm cái. Mắm cái phải là loại làm từ con cá cơm đánh bắt ở biển Cửa Đại của Hội An, ướp muối làm thành mắm.


Mắm pha với một chút đường, thơm bằm, và một chút dầu phi hành là đã có một chén nước chấm hoàn thiện. Chén nước chấm chỉ đơn giản là thế, không pha thêm loại gia vị nào khác mà ngon đến lạ lùng.

Mắm cái cá cơm Cửa đại giúp bánh đập thêm thăng hoa

Nếu muốn ăn cay, dĩ nhiên các quán đều có một chén tương ớt sẵn sàng, bỏ vào mắm. Đưa tay đập rôm rốp miếng bánh là công đoạn làm cho bánh tráng và mì lá kết dính với nhau. Mì lá giống như bánh ướt, nằm ở giữa 2 lát bánh tráng nướng. Nhón miếng bánh tráng đập nhỏ, chấm vào chén mắm thơm phức, bạn hãy nhai nhẩn nha để từ từ tận hưởng hết được vị ngon của món bánh đập. Thích nhất là các quán bánh đập ở phố cổ đều gần bờ sông, vô cùng thi vị. Vừa thưởng thức bánh đập, vừa đón những làn gió lồng lộng từ sông mát rượi. Nhìn sang bên kia bờ là những dãy bắp xanh ngút ngàn, không gì sảng khoái bằng.

Bà Nguyễn Thị Bốn, một trong những chủ quán Bà Già bây giờ, bảo, mỗi ngày, bà phải thức dậy từ 4g sáng để bắt đầu công đoạn tráng bánh. Trong cái bếp nhỏ dùng để đúc bánh, những vật dụng đều nhuốm màu thời gian. Chúng đụn lên những lớp tro ám khói đen ngòm, thế mà bánh vẫn ngon đến lạ. Và nhờ góc bếp nhỏ đó, danh tiếng của bánh đập Hội An ngày càng bay xa.

Ai đã từng ghé làng Cẩm Nam ăn bánh tráng đập ở những quán tranh ven sông Hoài (Hội An) đều giữ nguyên cảm giác “nhắc tới thấy thèm” để rồi “mỗi khi có dịp ghé lại Hội An, cứ phải qua cầu về Cẩm Nam ăn đĩa bánh tráng đập mới thấy trọn vẹn”.


Cách trung tâm thành phố Hội An chỉ quá 2 cây số, qua cây cầu nối liền đường Hoàng Diệu (Hội An, Quảng Nam) là đến làng bánh tráng đập xôm tụ cả một vùng. Khách ghé quán gọi món chưa đầy 10 phút đã có một đĩa bánh.


Hai lớp bánh tráng nướng mỏng, giòn tan kẹp lấy một lớp bánh ướt cùng hình tròn chu vi chừng 10cm. Khoan vội dùng bánh ngay, mà phải dùng lực nắm tay đập bánh cho lớp bánh tráng nướng vụn ra, dính quện vào lớp bánh ướt. Vì chi tiết này mà bánh tráng làng Cẩm Nam (Hội An) có tên là bánh tráng đập.

Một kẹp bánh đạt phải đảm bảo bánh tráng nướng xong được bảo quản kỹ trong bì bóng để giữ nguyên độ giòn và bánh ướt vừa mới ra lò còn nóng hổi. Bí quyết pha chế nước chấm cũng là một trong những cách giữ khách của quán. Công thức pha chế nước chấm bánh tráng đập rất dễ nhớ. Nước mắm cái, loại mắm chế biến từ cá cơm ướp muối, thêm vài thìa đường, thơm (dứa) băm nhuyễn, dầu và hành phi vừa tới.

Khách ăn cay, có thể nêm một nhỉnh tương ớt, cũng pha chế thủ công nhưng rất ngon theo bí quyết gia truyền của những hiệu tương ớt có tiếng ở Hội An. Công thức pha chế như nhau những mỗi người mỗi cách nêm gia vị mắm mới pha chế dậy mùi rất quyến rũ. Vì lẽ đó “nhắc tới thấy thèm”.
Ghé làng Cẩm Nam ăn bánh tráng đập không chỉ để thưởng thức chút hương vị nhà quê bình dân mà ngon lành. Khách ghé quán sẽ thích thú khi ngồi giữa thiên nhiên đặc trưng của một làng ven sông. Hương vị bánh tráng đập Cẩm Nam quyện lẫn trong đó mùi của bờ bãi, đồng quê.


Chè bắp....

Khúc sông quê bên lở bên bồi ôm lấy làng bày ra trước tầm mắt khách ngồi trong quán bình yên và nên thơ. Một đĩa bánh ăn loáng là xong nhưng mấy khách ăn xong vội về. Ai dường như cũng muốn nán lại, nhẩn nha từng miếng bánh tráng, cười giòn tan theo câu chuyện của bạn bè xôm tụ hay nhìn theo khói bay lên từ cửa bếp, nơi những lò tráng bánh đỏ lửa suốt bảng lảng cả mặt sông.

Những đĩa bánh tráng đập giá chỉ mấy nghìn đồng, quán xá bình dân vậy mà cả một dãy quán kéo dài làng bánh tráng đập chẳng lúc nào thưa xe lớn, xe nhỏ. Nhiều người đã tâm sự cùng người viết bài này: “Ăn bánh tráng đập không chỉ thèm cái giòn tan lẫn vào vị nước chấm mà ghé Cẩm Nam ăn bánh trạng đập cũng để tìm về chút kỷ niệm. Ngày xưa, tuổi thơ ai chẳng có một làng quê”.


Bây giờ làng Cẩm Nam đã có hàng chục quán hơn chuyên bán bánh tráng đập nhưng người ăn bánh tráng đập thâm niên vẫn thủy chung tìm về cái quán nhỏ, có vẻ tuềnh toàng, quê mùa hơn những quán mới xây của bà già - người chủ quán hơn mươi năm trước nay đã không còn.

Cái quán đầu tiên, cũ kỹ nhất làng, chẳng mấy ai hỏi tên bà, chỉ nhớ nụ cười của bà chủ quán phúc hậu. Cháu con thừa hưởng nghề gia truyền đặt tên quán thành quán “Bà Già” theo cách gọi của khách. Bây giờ cả nhà vẫn bám nghề mưu sinh, không giàu nhưng chẳng nghèo, đủ sống qua ngày là vui như cái yên bình mong mỏi của người làng quê.


Có những khách ở huyện kế cận Hội An hay ở Đà Nẵng, cách hàng mấy chục cây số mà vẫn thường hẹn nhau về Hội An, qua Cẩm Nam ăn bánh tráng đập để cả làng Cẩm Nam nổi tiếng với món bánh tráng đập trở thành một điểm đến hấp dẫn ở ngoại thành phố cổ du lịch Hội An.


Hến trộn....

















TraiPhoCo.Blogspot.com by SonPitbull

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét