Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Trai phố cổ khám phá Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - Tam Đảo - Vĩnh Phúc

Cách Hà Nội hơn một giờ xe chạy về phía Tây Bắc, thuộc địa phận xã Đại Đình, Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên đang nổi lên là một điểm du lịch hấp dẫn nhất trong chuỗi các điểm đến với du lịch Tam Đảo nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung. Photo by Son Pitbull ( Trai phố cổ blogger )

Du lịch Tam Đảo – danh thắng chùa Tây Thiên.


Tây Thiên là nơi thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Tương truyền, bà sinh ra là do linh khí núi cao rừng thẳm vùng Tam Đảo tụ lại mà thành. Là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, bà có công phò ông Gióng đánh đuổi giặc Ân, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.


Cảm mến sắc và tài của bà nên Hoàng tử Lang Liêu – Vua Hùng Vương thứ 7 (Hùng Chiêu Vương) đã cưới bà làm vợ và truyền thuyết bánh trưng, bánh dày đã ra đời từ đó. Bà đã “hóa” tại quê hương, thôn Đông Lộ, xã Đại Đình  (Tam Đảo) ngày nay. Đã bao đời, từ các triều đại phong kiến Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cứ vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, cử các quan đại thần lên cúng tế. Nhân dân đã tôn vinh bà là Quốc Mẫu Tây Thiên và lập nhiều đền thờ, quanh năm hương khói tưởng nhớ công đức của bà.


Như vậy, Quốc Mẫu Tây Thiên vừa là con người của huyền sử, vừa là con người thật với lai lịch rõ ràng. Đền thờ nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn, thuộc dãy Tam Đảo, gồm các đền lớn được xây từ thế kỷ 16, 17, cùng một độ cao và cách khu khu du lịch Tam Đảo 15km, nơi đây cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ vẫn còn giữ nguyên vẻ nguyên sơ, quanh năm có mây mù, thông reo, chim hót…


Tây Thiên là một địa điểm lý tưởng cho một chuyến đi bộ giữa khung cảnh đẹp như tranh thuỷ mạc. Đã qua nhiều thế kỷ, Tây Thiên vẫn giữ được những nét đẹp thiên nhiên kỳ thú. Đến đây, du khách có thể men theo dòng suối nước róc rách trong vắt để đến với những điểm đã nổi tiếng từ lâu như bãi đá Liền, Chòi Ông Nhất, thác Bạc, suối Bạc, suối Vàng, suối Giải Oan, đền Cô, đền Cậu, đền Thượng Tây Thiên…


Ngoài những di tích thờ phụng Quốc Mẫu Tây Thiên, khu danh thắng còn có nhiều ngôi chùa thờ Phật như chùa Phù Nghì, Thiên Ân, Đồng Cổ… Một số di vật như: Chuông Khánh hơn 1.000 năm tuổi, một số tượng đồng mà lai lịch, niên đại vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khảo cổ học. Cổ vật bia đá “La Thành Bất Loan”, Bát vị Kim Cương” từ đời Lê Sơ (1428-1527), Bia đá chữ: “Bát Nhã tuyền” do quan Tứ Khấu Triều Lê Khắc Phục khắc trên đá 170 từ (1733); “Tam Đảo Sơn, Tây Thiên Thiền Tự” ghi chép về việc đúc pho tượng đồng và trùng tu Chùa Thượng (1704); Bia đá vuông 4 mặt khắc chữ ở Đền Thỏng ghi chép về việc trùng tu Đền Thỏng (1724); “Tam Đảo Sơn, Tây Thiên Tự bi ký” ghi chép về việc trùng tu ngôi chùa “Tây Thiên Cổ tự” (1933). Có 8 ngôi mộ cổ, 10 pho tượng gỗ và đồng; 1 chuông đồng chữ đúc nổi ghi “Phù Nghì chung tự”; 1 chuông đồng Đền Thõng; 1 khánh đồng dài 1,3 m cao 1,1 m và 7 đạo sắc phong…


Tây Thiên giờ đây không chỉ là khu danh thắng du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên đã trở lại “cảnh Phật” đúng với danh tự Tây Thiên do các nhà tu hành đầu tiên trên đất Văn Lang đặt ra, với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên quy mô hoành tráng vào bậc nhất nước ta đã được khánh thành trên nền chùa cổ vào tháng 10 năm 2005. Du khách về với Tây Thiên không chỉ để vãn cảnh bồng lai, để thắp hương tưởng nhớ công ơn trời biển của Quốc Mẫu, mà còn là hành hương về chốn tổ của Phật giáo Việt Nam.


Theo BQL cho biết, khu di tích danh thắng Tây Thiên đã được nhà nước xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia. Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV đã xác định Tam Đảo là vùng kinh tế du lịch quan trọng có tầm cỡ quốc gia. Tỉnh đang quan tâm đầu tư nhằm thức dậy tiềm năng du lịch của vùng đất này, qua đó thiết lập các tour du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng, tâm linh khép kín từ, những nơi thăm quan khi du lịch: Đại Lải, Tam Đảo đến Tây Thiên. Giao thông từ thành phố Vĩnh Yên đến khu danh thắng đang được mở rộng.


Với quyết tâm phát huy nội lực, Đại hội Đảng bộ huyện Tam Đảo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2005-2010, đã đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2010, Tam Đảo cơ bản trở thành huyện du lịch và đến năm 2020 trở thành huyện du lịch trọng điểm, nhằm góp phần tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, trong đó đặc biệt coi trọng, phát huy thế mạnh khu danh thắng Tây Thiên.


Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ nguyên vẹn tính đa dạng sinh học của rừng Quốc gia Tam Đảo; quy hoạch khu danh thắng Tây Thiên; tăng cường công tác quản lý; xây dựng nếp sống văn hóa ứng xử của người dân, tạo ấn tượng tốt đẹp, thân thiện trong lòng du khách; khai thác mọi nguồn lực, kêu gọi các nhà đầu tư nhanh chóng xây dựng khu danh thắng hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống đặc sắc.


Trong dịp đầu xuân, mỗi ngày Tây Thiên đang đón hàng chục nghìn lượt du khách xa gần. Và với tiềm năng phong phú, bao gồm cả du lịch tâm linh, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, trong tương lai không xa Tây Thiên sẽ trở thành khu du lịch có tầm cỡ quốc gia.


Khu danh thắng Tây Thiên Tam Đảo có diện tích khoảng 148 ha, là một vùng đa dạng sinh học thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ thực vật Tây Thiên có 130 họ, 344 chi và 490 loài, một số loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế đáng kể như: pơ mu, la hán, sam pông… Rừng Tây Thiên Tam Đảo có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi.


Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên thu hút nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu.


Tiếng trống khai hội Tây Thiên xuân Mậu Tý đã âm vang giữa núi rừng Tam Đảo, gợi lại hình ảnh nữ tướng oai hùng luyện binh buổi bình minh dựng và giữ nước của dân tộc. Chính quyền và nhân dân huyện Tam Đảo đã sẵn sàng chào đón du khách du lịch Tam Đảo ở mọi miền đất nước hành hương về Tây Thiên và thắp hương tưởng nhớ Quốc Mẫu./


Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).


Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.


Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội, ông cũng đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc thời Tôn Quyền (năm 247). Cha của Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là người Giao Chỉ, ông chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ, cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi, ông mất năm 280 bên nước Tấn.


Vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân trên đỉnh núi Tam Đảo để cầu tự, khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu và rước về làm vợ; bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước Văn Lang.


Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng trên nền của một thiền tự cổ (Thiên Ân Thiền Tự) có từ thế kỷ 3.


Quá trình xây dựng
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004 (15/2 âm lịch) với tổng số vốn 30 tỷ đồng. Khi làm lễ khởi công, trên nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn của thời Trần. Sau hơn 15 tháng xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Công trình to lớn này đã được xây dựng với thời gian nhanh và giá thành thấp kỷ lục, riêng tòa Đại Hùng Bửu điện chỉ thi công trong vòng 9 tháng. Sở dĩ tốc độ xây dựng nhanh như vậy vì có sự tham gia đóng góp của hàng ngàn người, trong đó có các nghệ nhân và làng nghề hầu khắp trong cả nước: thợ mộc Hà Tây, Bắc Ninh; thợ đá Non Nước, Ninh Bình; thợ xây Nam Định, Hà Nội.


Kiến trúc
Chính điện (Đại hùng bửu điện) nằm chính giữa Thiền Viện có chiều cao 17m, diện tích 675m2, có 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1m nên có thể dành cho 600 phật tử, du khách ngồi thiền hoặc ngồi nghe giảng phật pháp. Trong chính điện thờ tượng Phật Tổ cùng với hai câu đối: Phước đức sâu dầy do gieo nhân đạt quả, Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần và Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác, Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như.


Bên trái tòa chính điện là Lầu Chuông, bên phải là Lầu Trống. Trống được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có đường kính lên đến 1,5m, dài 2m; Chuông có trọng lượng 2 tấn.


Phía sau chính điện là Nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Các bức tượng Phật ở chính điện và Nhà Tổ đều được làm từ đá sa thạch (loại đá người Chăm và người Ai Cập thường dùng để tạc tượng) có độ bền lâu dài. Trong Nhà Tổ có hai câu đối: Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn Phật, Tăng tăng tục diện lưu biến chính tông thiền và Tây Thiên khởi nguồn Phật kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng, Yên Tử mở lối thiền đời đời đức hóa lưu phương luôn chuyển khắp.


Trong khu Thiền viện còn có: Nhà ăn phục vụ cơm chay cho các phật tử và du khách, Nhà sách bán kinh phật và đồ lưu niệm, Thư Viện, Khu nội viện gồm tăng đường, thiền đường và trai đường. Thiền viện dành khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở xa đến có thể nghỉ lại chùa tham quan và nghiên cứu phật pháp trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần. Việc ăn ở, thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.


























































TraiPhoCo.Blogspot.com by SonPitbull

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét